会員申込

ログイン

Văn hóa Nhật Bản

Văn hóa làm bánh Mochi (bánh gạo nếp)

29.10.2020

Văn hóa làm bánh Mochi (bánh gạo nếp)

 

Hằng năm, vào dịp tết dương lịch người Nhật thường ăn bánh Mochi. Vậy lý do gì mà người Nhật thường ăn bánh mochi vào dịp tết nhỉ?

 

Chày và cối được làm từ gỗ là hai vật dụng không thể thiếu trong quá trình làm bánh Mochi. Cối đại diện cho nữ giới, còn chày đại diện cho nam giới với mong ước con đàn cháu đống, gia đình phồn thịnh. Trước đây, khi làm nhà mới người thợ xây thường làm một cái chày và cối để đặt vào trong ngôi nhà đó. Trong những dịp cưới xin thì trước đây thường được tổ chức tại nhà nên vào dịp đó người Nhật cũng tổ chức làm bánh dày với mong ước cặp vợ chồng mới sớm sinh em bé, gia đình phồn thịnh. Vì thế, bánh mochi có ý nghĩa may mắn, tốt lành.

 

Bánh mochi là loại bánh truyền thống lâu đời của Nhật Bản, là món ăn dùng gạo nếp hấp lên rồi dùng cối để giã, sau đó nặn thành hình với kích thước phù hợp. Đặc điểm của bánh mochi rất dẻo và dính, khi nướng thì phồng lên,  khi nấu thì mềm ra. Bánh mochi được truyền lại từ xa xưa và thường được ăn vào dịp lễ tết, dịp chúc mừng. Ngày nay thì phong tục tập quán làm bánh mochi vẫn còn được duy trì ở nhiều vùng khác nhau trên nước Nhật.

 

Cách làm bánh mochi để chào đón năm mới:

1.Vo gạo nếp, ngâm gạo nếp qua một đêm. 

2.Vớt gạo nếp vào rổ, sau đó cho vào nồi hấp.

3.Gạo nếp đã hấp chín, cho vào cối dùng chày để giã, khi giã thì cho thêm nước vào để nhào.

4.Cho thêm nước để nhào nhưng phải chú ý điều chỉnh lượng nước, nặn thành bánh và thỉnh thoảng lật bánh lên là hoàn thành. 

Hình dạng của bánh mochi sẽ khác nhau tùy theo từng địa phương. Thông thường bánh mochi là hình tròn không góc cạnh tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành và được thờ cúng tổ tiên với tên gọi là “kagami mochi”.  Ngoài ra còn có bánh mochi dạng mỏng và dẹt là “noshimochi” được cắt thành hình vuông để dễ bảo quản, dễ ăn.

Bánh mochi thường được làm vào những ngày cuối năm để đón năm mới. Tuy nhiên vào ngày 26 và 29 tháng 12 người Nhật sẽ không làm bánh mochi vì ngày 29 có số 9 trong tiếng nhật đọc là [く-ku] đồng âm với từ 苦 [ku- khổ cực], ngày 26 thì có số 6 đọc là [ろく-roku] khiến người ta liên tưởng tới cụm từ “ろくなことがない” “rokuna koto ga nai”- không có việc gì sẽ được toàn vẹn.